Herstories – Materials and Others

I use this space to show interesting historical materials I encounter on my research path! Contact me if you’re interested in learning more about any of these English and Vietnamese materials!

Cột Cờ Giới Tuyến

Lá cờ là tâm điểm của khá nhiều biến động và tranh luận trong lịch sử hiện đại. Thời kì chiến tranh khi đất nước bị chia cắt, lá cờ, cột cờ cũng trở thành một vũ khí đấu tranh tại hai bờ giới tuyến ở cầu Hiền Lương, Vĩnh Linh, Quảng Trị. Hai cột cờ hai bờ giới tuyến đã chứng kiến mọi thăng trầm của những con người đã kiên cường chịu đựng qua nhiều năm sóng gió bom đạn ở vùng đất ác liệt vào bậc nhất đất nước này. Dựng lại những câu chuyện mà hai cột cờ đã nhìn, đã nghe, đã cảm về hai lối sống khác biệt của hai cộng đồng dân cư chỉ cách nhau một dòng sông, một cây cầu sẽ là một nghiên cứu so sánh thực sự thú vị.

Không có điều kiện tìm hiểu đề tài một cách hệ thống, xin dẫn lại một nguồn tài liệu gốc thu thập được dọc đường nghiên cứu. Tin từ Văn phòng Đại biểu chính phủ tại Trung Nguyên Trung Phần cho biết, ngày 20 tháng 7 năm 1957, phía miền Bắc vĩ tuyến dựng một cột cờ mới thay thế cột cờ cũ bằng gỗ. Bề cao cột cờ ước độ 35 thước. “Cột cờ mới làm bằng ống sắt tròn, kiểu như ống dẫn nước, chắp nối lại. Vào khoảng 1/4 cột, về phía ngọn cờ, có hàng bao lơn bao bọc thân cột, và người có thể đi lại trên ấy được. Trên ngọn cờ, [phía miền Bắc] để một ngôi sao vàng 5 cạnh bằng kim khí, đầu các mũi sao có bắt bóng điện.” Phía Việt Nam Cộng Hoà cũng thừa nhận, ở thời điểm này, nếu đứng từ xa nhìn lại thì trông thấy ngay cờ của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà trên không trung, còn quốc kì của Việt Nam Cộng Hoà thì thấp phía dưới xa.

Theo lời đồng bào di cư vào phía nam vĩ tuyến 17, phía Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà đã tuyên bố với dân chúng ở vùng Vĩnh Linh rằng: “Khu phi quân sự là bề mặt của ta nên ta phải chú ý đến đấy và vì thế ta phải xây kỳ đài cho thật cao, thật đẹp hơn kỳ đài của miền Nam, không kể hao phí tốn kém. Kỳ đài ta có cao, ta sẽ dễ nắm ưu thế để tuyên truyền và còn gây ảnh hưởng sâu sa, gây thêm tin tưởng cho dân chúng ở miền nam, v.v…”

Tài liệu đã dẫn: Công điện số 1588 VP/CTN của Văn phòng Đại biểu chính phủ tại Trung Nguyên Trung Phần Hồ Đắc Khương gửi Bộ trưởng Bộ Nội Vụ ngành Nội An ở Sài Gòn ngày 15/8/1957, thuộc hồ sơ của Nha Cảnh Sát và Công An Trung Nguyên Trung Phần năm 1957. 

Những Lịch Sử Của Cuộc Chiến Tranh ở Việt Nam

Cuộc chiến tranh diễn ra tại Việt Nam từ những năm 1950 đến 1975, thường được gọi là “cuộc chiến tranh Việt Nam” [The Vietnam War] trong các tài liệu tiếng Anh, hay “cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước” trong sách vở chính thống ở Việt Nam, vẫn luôn được nhiều học giả trên toàn thế giới quan tâm nghiên cứu trong suốt hơn 50 năm qua. Dù sự thật chỉ có một, lịch sử cuộc chiến tranh được mô tả và diễn giải khác nhau ở trong và ngoài Việt Nam, tiêu biểu là Hoa Kỳ, từ quan điểm, phương thức nghiên cứu cho đến những tình tiết được coi là quan trọng và nguồn tư liệu tham khảo.

Lịch sử chính thống của Việt Nam về cuộc chiến, lịch sử dưới ngòi bút của “người thắng cuộc,” đi cùng hướng với dòng sử truyền thống của những cuộc kháng chiến anh hùng chống ngoại bang xâm lược của dân tộc trong suốt nhiều nghìn năm. Lịch sử nửa sau thế kỉ XX của Việt Nam vì thế không dễ gì ra khỏi con đường mòn của những thay đổi triều đại, những cuộc hành quân gian khổ, những đàm phán ngoại giao, bắn bao nhiêu máy bay, chi viện bao nhiêu thuốc men đạn dược, v.v., như một cái vòng máy lặp đi lặp lại. Từ phía những người cộng sản, cuộc chiến được nối dài trở thành cuộc kháng chiến trường kỳ 21 năm, từ năm 1954 đến 1975. Với giọng điệu ta thắng địch thua, và chỉ tham khảo một vài nguồn tư liệu chọn lọc về phía bên kia, lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước mang nặng màu sắc chính trị, lấn át mọi cách nhìn khác về bản chất và diễn tiến cuộc chiến. Không hiểu về phía đối diện, lịch sử cuộc chiến được mô tả phiến diện và đơn giản hoá, và không hiểu những tác động nhiều chiều của cuộc chiến, lịch sử thời kì hiện đại của Việt Nam cũng không bao quát được nhiều mặt của lịch sử cộng đồng người Việt sinh sống trên dải đất của cha ông họ.

Trong khi đó, lịch sử cuộc chiến tranh ở Việt Nam được dạy và học ở tất cả các trường đại học tại Hoa Kỳ vẫn là một trong những chuyên đề thu hút được nhiều sinh viên, do một phần lớn trong số họ tò mò theo học vì có người thân trong gia đình, họ hàng tham chiến từ cuối những năm 60 đến đầu những năm 70 ở Việt Nam, hay vì họ lớn lên cũng những người Việt Nam tị nạn trong cùng khu phố. Với Hoa Kỳ, cuộc chiến tranh Việt Nam kéo dài trong 8 năm, có ảnh hưởng căn bản đến nhiều biến đổi chính trị xã hội của đất nước, vẫn là một chủ đề nhạy cảm trong lịch sử nước Mỹ trong suốt mấy thập kỉ qua. Các sử gia Hoa Kỳ dành nhiều sự quan tâm cho các hoạt động chính trị ngoại giao của các đời tổng thống, quyết định quân sự của các tướng lĩnh tại miền Nam Việt Nam, đời sống của lính Mỹ, những trận thảm sát, hay cả những lạc thú nơi đô thị của những thanh niên tuổi mới đôi mươi. Được coi như một phần của lịch sử hiện đại Hoa Kỳ, và chỉ là một trong nhiều cuộc chiến “cứu giúp nền hoà bình nhân loại” của cường quốc dẫn đầu thế giới tự do, cuộc chiến tranh Việt Nam trong sách vở Hoa Kỳ đặt trong bối cảnh nước Mỹ hiện đại, quan tâm chủ yếu tới lượng người Mỹ đi làm nhiệm vụ tại một miền đất xa xôi, như trong nhiều trận chiến khác trong lịch sử Hoa Kỳ. Họ cũng không thực sự hiểu đất nước, con người ở phía bên kia chiến tuyến trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam.

Ngoài hai phiên bản lịch sử này, một khoảng trống rất lớn của lịch sử cuộc chiến là đời sống của những người ở miền nam vĩ tuyến 17 trong suốt những năm 1950 đến 1975. Những năm gần đây có nhiều công trình phản ánh những nghiên cứu mới về Việt Nam Cộng Hoà và những sự kế thừa và tiếp nối lịch sử của những người cộng hoà trong 20 năm tồn tại ngắn ngủi của chế độ này. Phần lớn các công trình này được xuất bản tại Hoa Kỳ, dựa trên các nguồn tài liệu của chính quyền và cả cá nhân, đặc biệt là các nguồn tư liệu hồi ký và phỏng vấn. Tuy nhiều công trình vẫn chủ yếu tập trung vào các đề tài chính trị và chiến tranh, một số bài viết về văn hoá, xã hội đã bắt đầu khai lối cho những khoảng trống trong lịch sử.

Đây mới chỉ là một vài quan điểm lịch sử dòng chính trong nghiên cứu về cuộc chiến tranh dài và phức tạp này, tạo nên nhiều phiên bản lịch sử khác nhau của một sự kiện. Với số lượng phong phú của tài liệu lịch sử hiện đại, diễn giải một lịch sử trung thực phức tạp hơn rất nhiều bởi nó không chỉ đơn thuần là công việc kết hợp nhiều lịch sử khác nhau thành một câu chuyện lịch sử chung. Các nguồn tư liệu, dù là tư liệu sơ cấp, có thể đã được nhào nặn bởi nhiều mục đích khác nhau trong và sau thời chiến luôn cần được kiểm chứng cẩn trọng. Đó là chưa kể tới những mảng lịch sử quan trọng khác vẫn còn gần như vắng bóng, chẳng hạn đời sống của đồng bào sắc dân thiểu số ở Tây Nguyên, những người lính Hàn Quốc, Úc Đại Lợi, Thái Lan, hay những chuyên gia Trung Quốc, Liên Xô, hay những người thuộc diện chiêu hồi, những tiếng nói phản chiến, v.v. Lịch sử cuộc chiến tranh ở Việt Nam vẫn còn là một mảnh đất rất màu mỡ cho nhiều thế hệ các nhà nghiên cứu sinh sau chiến tranh tha hồ cày xới.

Nghĩ Trong Một Xã Hội Tan Rã

P1170804

Giữa những năm 60, 70 của thế kỷ XX, khi các sách vở đều chăm chăm đề cập đến những quyết định của Tổng thống Hoa Kỳ, của Tổng thống Việt Nam Cộng Hoà, Bộ chính trị Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà, của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, những kế hoạch quân sự trong mùa khô sắp tới, hay những đàm phán trên bàn ngoại giao giữa các bên, lịch sử trở nên đậm đặc những căng thẳng và phức tạp của cuộc chiến tranh giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Thực tế số người này chỉ là một phần nhỏ dân số chịu ảnh hưởng trực tiếp của cuộc chiến tranh, và đây cũng chỉ là một phần nhỏ trong những biến động của lịch sử cộng đồng người Việt trên dải đất Việt Nam. Phần lớn hơn, hình ảnh của những người dân thường vẫn còn gần như vắng bóng trong các nghiên cứu lịch sử của thời kì này. Nếu như các sách vở xuất bản ở miền Bắc về hậu phương xã hội chủ nghĩa có đôi lúc xuất hiện những dòng nhật ký, những cảm nghĩ cá nhân của những anh hùng, tấm gương thì những câu chuyện này mang đậm tính chất tuyên truyền và bị kiểm duyệt gắt gao. Sách vở của miền Nam Việt Nam có phần tự do hơn về tư tưởng, nhưng những suy nghĩ, tình cảm của người dân vẫn chưa xuất hiện rộng rãi phổ biến trong sử học dòng chính hiện nay.

Trong khoảng trống ấy, hãy nghe nhà văn Thế Uyên chia sẻ những suy nghĩ của ông về thời đại mình sống giữa những năm 1960 ở Sài Gòn. Tập tiểu luận Nghĩ trong một xã hội tan rã (Sài Gòn: Thái Độ, 1967) là một trong 21 cuốn sách ông xuất bản trước năm 1975. Tác phẩm là tiếng lòng của một con người có trách nhiệm với xã hội mình đang sống, có ý hướng khai phá để “cứu vãn hay xây dựng lại hoàn toàn xã hội ấy” (Ghi chú vào đề). Nói về cuộc chiến tranh, ông trăn trở “chúng ta thực sự không còn chủ quyền đối với cuộc chiến hiện tại nữa, vậy thì kêu gào hoà bình chống Mỹ hay xuống đường chống nguỵ hoà cũng đều là vô nghĩa” (tr. 65). Trong lĩnh vực văn hoá, ông thẳng thắn nhận định “mọi quyết định liên quan đến văn hoá đều chỉ được cân nhắc trên các yêu tố chính trị nhất thời của chính phủ [Ngô Đình Diệm]” (tr. 80). Phân tích những biến động văn hoá mà xã hội truyền thống Việt Nam trải qua trong những năm đầu thế kỷ XX liên hệ đến hiện tại, Thế Uyên cho rằng “hính sự hoang-mang-văn-hoá này đã là nguyên nhân xa của cuộc thất trận chính trị quân sự của người quốc gia trước người cộng sản những năm 45, 46 và sau này tại miền Nam” (tr. 77). Ông cũng nhấn mạnh nguyên nhân sơ khởi của việc “người quốc gia đã kém phần suy tưởng riêng” là “người Việt đã bị vong thân về văn hoá” (tr. 117).

Những suy nghĩ của Thế Uyên trong một xã hội tan rã phản ánh phần nào những tiếng nói đi trước thời đại của những nhà trí thức Sài Gòn một thời. Trong một bầu không khí có nhiều luồng tư tưởng khác biệt, những nhận định sâu sắc về thời đại của họ rất đáng để suy ngẫm cho các nhà nghiên cứu thời sau.

Đêm xứ Huế

Đất mẹ nuôi dưỡng hồn người. Xứ Huế làm con người Huế thêm đẹp thêm thơ, và tình người Huế cũng làm chốn thần kinh thêm sắc thêm hương. Thời nào cũng thấy các áng văn thơ viết về Huế tràn ngập những phong vị cảm xúc thơ mộng đến lạ kì. Gặp gỡ chuyện trò với những con người Huế, cảm tưởng như ai cũng là thi nhân, hoạ sĩ cả. Ở nơi nào khác có thể đang xáo động, nhưng Huế thì vẫn yên ả trầm lặng, ngay cả trong những giờ phút loạn lạc của chiến tranh.

Đọc Hoài Thy Thanh mở đầu áng cảm hoài về đêm trên xứ Huế từ thuở 1964, ở thời điểm ngôn ngữ diễn đạt còn chuộng sự chân phương giản dị, mới thấy những đoạn văn như thế này quả khiến nhiều miền đất khác ghen tị. Tình người dành cho Huế mênh mông không dễ gì cảm được nếu không sống, không trải nghiệm cùng đất và người Huế trong những năm tháng đầy biến động ấy.

“Khi ánh nắng cuối cùng không còn thếp vàng những ngọn cau xanh Vỹ-dạ và lịm tắt trên cái tháp chứa nước cao sừng sững ở Kim-long, khi giòng Hương Giang đổi từ màu xanh tà áo người nữ sinh Đồng Khánh sang màu đen thẳm chiếc áo Dạ thần, bây giờ đêm xứ Huế khởi đầu. Đêm huyền diệu lên ngôi bằng những vì sao chi chít hiện ra giữa nền trời, bằng ánh sao hôm óng ả, chói lọi, sáng như đôi mắt người yêu…

Và trăng lên, trăng êm đềm trải chiếc khăn voan lên thân hình xứ Huế, ngọt ngào hơn lời nói ân tình của đôi trai gái đang sánh bước kề vai dưới chân núi Ngự-bình. Trăng thắp đèn cho những vì tinh tú. Trăng làm thơ, đặt nhạc. Trăng ngọc trăng ngà trăng nõn nà làn má nàng cung nữ đang độ xuân thì.”

(Trích tản văn “Huế 4” của Hoài Thy Thanh, tuần báo Lập Trường, số 10, ngày 23/5/1964, trang 9).

Podcast on Việt Nam Prisoners of War Experiences

CAPTURED: Shot Down in Vietnam is a serialized documentary podcast from the Richard Nixon Library and Foundation on the 50th anniversary of their homecomings in 1973. During the war, hundreds of American aviators were shot down and imprisoned within the Democratic Republic of Viet Nam territory. For as many as eight long years, 591 prisoners of war (POWs) survived behind bars in Hà Nội, communicating with each other through codes and raps on prison walls. Their families and the public knew little of their fate. From the typical American perspectives, these podcasts cover the Viet Nam Prisoner of War narratives from the dramatic moment of being shot down to the emotional homecomings and reunions.

Ten episodes now available on podcast platforms!

Saigon Execution và Câu Chuyện Đằng Sau Những Bức Ảnh

Saigon Execution (Hành Quyết tại Sài Gòn) được chụp tại Sài Gòn đầu tháng 2 năm 1968. Tấm ảnh đã mang về cho tác giả Eddie Adams, phóng viên ảnh Hãng Thông tấn AP, giải Putlitzer cao quí năm 1969, và được bình chọn là một trong 13 bức ảnh thay đổi thế giới vào năm 2007. Đây là một trong những bức ảnh nổi tiếng nhất của cuộc chiến tranh ở Việt Nam, tác động mạnh mẽ đến dư luận trong và ngoài Việt Nam, đặc biệt là cộng đồng người Mỹ những năm cuối cuộc chiến tranh.

Nội dung bức ảnh phản ánh thời khắc Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Loan cầm súng bắn một người của phe đối diện trong dịp Tết Mậu Thân năm 1968 trên đường phố Sài Gòn. Miêu tả này là quá ít ỏi so với những gì ẩn đằng sau tấm hình ấy!

Người bị bắn là ai? Đại uý đặc công Nguyễn Văn Lém hay là người lính nào của lực lượng quân giải phóng miền Nam? Thời điểm của sự kiện là ngày mùng 1 hay mùng 5 tháng 2 năm 1968? Địa điểm của sự kiện là khu Chợ Lớn, ngã tư đường Sư Vạn Hạnh và Ngô Gia Tự, đường Lý Thái Tổ gần Ngã Bảy, hay vùng Thị Nghè? Bối cảnh của sự kiện như thế nào? Tại sao Nguyễn Ngọc Loan lại bắn người mặc thường phục này? Người bị bắn trước đó đã làm gì? Đâu là nguyên nhân của vụ nổ súng?

Sức ảnh hưởng của bức ảnh này không chỉ dừng ở năm 1968, 1969, hay 1975, mà vẫn còn tiếp diễn đến nhiều thập kỉ sau. Tướng Nguyễn Ngọc Loan, vị tư lệnh lực lượng Cảnh Sát Quốc Gia của Việt Nam Cộng Hoà, được nhiều người coi là một vị tướng dũng mãnh đáng kính trọng, có nhiều đóng góp trong việc “bình ổn” Huế và Sài Gòn, là người giàu lòng thương dân thương lính, hết lòng chăm lo cho gia đình của những chiến sĩ tử trận, xây dựng bệnh viện ở miền Nam, trại tỵ nạn tình thương cho đồng bào Huế. Cuộc đời ông về sau kém may mắn hơn nhiều nhân vật khác, bởi dư luận thế giới nhìn nhận ông như một vị tướng bạo tàn sau khi bức ảnh được phổ biến rộng rãi, và đã quay lưng lại với ông. 

Còn tác giả của tấm hình này, giống như nhiều người Mỹ bị ám ảnh bởi Việt Nam, luôn cảm thấy ân hận, dằn vặt cho đến khi ông qua đời năm 2004 vì “đã giết vị tướng bằng máy ảnh của mình.” Khác với nhiều người nhận giải Putlitzer cao quí ấy, ông đã ước mình không hề chụp bức ảnh đó, đã nghĩ mình được giải thưởng không phải cho bức ảnh đó. Bộ sưu tập 500 bức ảnh trong sự nghiệp của Adams, trong đó có nhiều bức ảnh về Việt Nam mà The Boat of No Smiles (Con thuyền không có nụ cười) là tiêu biểu, không có Saigon Execution.

Câu chuyện này chỉ là một ví dụ, nhưng nó cho thấy nguồn tư liệu ảnh cần phải được tìm hiểu kĩ lưỡng và sử dụng hết sức thận trọng để làm sáng tỏ những sự thật phức tạp còn ẩn chứa đằng sau những tấm hình lịch sử như thế!

Tết Huế

Mỗi năm Tết đến mang lại cho người Việt khắp mọi miền đất nước đủ cung bậc cảm xúc khác nhau. Nhưng có lẽ không có nơi nào trên dải đất Việt Nam, Tết lại day dứt như Huế. Đã hơn 50 năm từ khi Tết trở thành ngày giỗ của biết bao gia đình ở Huế, có khi làm giỗ mà không biết chính xác ngày mất. Huế vốn kính lễ nghi, không gian Tết Huế vốn đã mờ mờ sương lạnh, lại càng dầy đậm thêm bởi khói hương tưởng nhớ những đau thương thảm khốc của lịch sử một thời.

Trong vô vàn sự kiện của cuộc chiến tranh những năm 1950s–1975, Tết Mậu Thân 1968 là biến cố quan trọng nhất trong lịch sử cuộc chiến. Mà nói đến Tết Mậu Thân thì không thể không nhắc đến Tết ở Huế, ở nơi ấy nỗi tang thương đổ máu ám ảnh dài nhất trong cả miền nam vĩ tuyến 17. Tết Mậu Thân ở Huế, cho đến nửa thế kỉ sau vẫn còn là một khoảng trống vào loại khó giải đáp nhất trong nghiên cứu lịch sử hiện đại Việt Nam, và có lẽ chưa thể làm sáng tỏ hơn trong một tương lai gần.

Khi mà các nghiên cứu trong nước vẫn còn chịu ảnh hưởng quá nặng về chính trị, ăn mừng chiến thắng cuộc Tổng Tiến công và Nổi dậy mùa xuân; khi mà những ấn phẩm của người Việt xuất bản ở ngoài nước còn mải kể tội, tìm kiếm kẻ sát nhân; và khi các nhà học giả nước ngoài vẫn chỉ đã và đang giải nghĩa sự kiện, chưa ai thực sự dấn thân phân tích sự phức tạp đến trái ngược của các nguồn tư liệu lịch sử trong và ngoài Việt Nam để diễn giải thấu đáo sự kiện lịch sử này. Bản thân các nhà nghiên cứu cũng còn quá nhiều hoài nghi về khoảng thời gian một tháng đen tối này trong lịch sử Huế. Bao nhiêu người là nạn nhân của cuộc va chạm? Thực hư về cuộc thảm sát? Ai ra lệnh? Ai trở lại? Tư thù? Nhẹ dạ? Ai còn nhớ những câu chuyện họ chứng kiến ngay trong vườn sau nhà mình? Ai đã theo những dòng người mang cuốc, mang cơm mong mỏi đi tìm người thân? Nhữngngười Huế đã trải qua, đã chứng kiến, và giờ đây sau bao năm tháng, họ mong muốn điều gì?

Nhiều mảnh đời vẫn còn lắm gian truân, nhiều kí ức vẫn còn nóng hổi, nỗi tang thương vẫn hiện về mỗi dịp xuân sang. Đề tài Tết Mậu Thân ở Huế sẽ còn tốn nhiều giấy mực, vì còn quá nhiều điều phải làm cho Huế.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *